Đang điều trị theo phác đồ bác sĩ chỉ định, tự ý bỏ thuốc để tìm đến các thầy lang vì thấy quảng cáo “bệnh nào cũng chữa được”; Nghe lời “rao miệng” rồi tự mua thuốc Đông y về sắc uống vì cho rằng thuốc lành tính… Rất nhiều bệnh nhân đã gặp họa vì cả tin và tùy tiện khi sử dụng thuốc Đông y trôi nổi trên thị trường.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để tránh gặp tai biến khi sử dụng thuốc Đông y, ngoài việc chọn lựa sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, người dùng cần phải theo chỉ định của bác sĩ. Ảnh: TL. |
Bỏ mạng vì “lang băm”
Từ đầu tháng 8 đến nay, Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận rất nhiều ca thập tử nhất sinh vào cấp cứu do dùng thuốc của các vị lang vườn.
Bệnh nhân G.T.H (33 tuổi ở Nam Định) nhập viện trong tình trạng ho nhiều, xuất hiện các cơn đau mỏi xương khớp tại vị trí các khớp cổ tay, ngón tay, vai gáy, ngón chân. Trước đó, chị H đi khám tại một bệnh viện tuyến Trung ương và được các bác sĩ chẩn đoán viêm đa khớp, kê đơn thuốc cho uống trong 30 ngày. Nhưng mới được 10 ngày, bệnh nhân đã tự ý bỏ thuốc, nghe theo lời “rao miệng”, tìm vào tận Thanh Hóa gặp một “lang băm” bốc thuốc sắc uống. Thầy lang này còn tiêm cho bệnh nhân nhiều mũi thuốc không rõ tên.
Một thời gian dài điều trị tại nhà thầy lang, bệnh tình của chị H không những không thuyên giảm mà còn xuất hiện triệu chứng đau vùng thượng vị, vàng da, men gan tăng cao... Đến Bệnh viện Bạch Mai, dù được các bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu tích cực điều trị, đặt sonde dạ dày, lọc máu liên tục, truyền dịch… song tình trạng suy gan, thận của chị H vẫn ngày một nặng, bị sốc nhiễm khuẩn tại vị trí vết tiêm, tràn dịch màng phổi, nên chị H đã tử vong.
Trước đó, với mong mỏi sớm có thai, Lê Thị N (22 tuổi ở Yên Khánh, Ninh Bình) đã tìm đến nhà ông lang cùng huyện để bắt mạch và kê thuốc. Sau 10 ngày dùng thuốc, chị N thấy đau mỏi toàn thân, cảm giác trống ngực, đau bụng. Tới Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), chị N được khám kiểm tra và xác định bị ngộ độc chì.
Không sử dụng thuốc trôi nổi trên thị trường
Tâm lý chung của người dân là thuốc Đông y luôn lành tính, nên dẫn đến việc tùy ý sử dụng mà không quan tâm đến chỉ dẫn của cán bộ y tế. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thuần, Phó Giám đốc Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam, việc sử dụng thuốc Đông y hay Tây y trong điều trị đều phải tuân theo chỉ định của bác sĩ. Nếu sử dụng tùy tiện thuốc Đông y, hậu quả gây ra rất khôn lường vì độc chất trong các loại thuốc này ngấm dần vào cơ thể người bệnh, gây ngộ độc từ từ nhưng khi đã phát bệnh thì rất khó điều trị. Đấy là chưa kể nhiều mặt hàng thuốc Đông y bị làm giả, kém chất lượng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc cho người sử dụng. Trên thực tế, cuối tháng 8 vừa qua, nhiều loại thuốc Đông y của Trung Quốc đã bị cơ quan y tế châu Âu “thổi còi” do phát hiện hàm lượng chì, thạch tín cao quá mức cho phép.
Theo ông Nguyễn Hồng Xiêm, Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội, hiện nguồn dược liệu gần như cạn kiệt, việc nuôi trồng và phát triển dược liệu chủ yếu là tự phát, chưa có kế hoạch phát triển vùng dược liệu, chủ yếu dựa vào khai thác tự nhiên và nhập khẩu. Ông Xiêm nhấn mạnh, 80% nguồn dược liệu hiện nay là nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngay cả một trong những làng nghề thuốc Đông y lớn nhất cả nước ở Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội) thì hầu như nguồn dược liệu là nhập khẩu từ Trung Quốc với chất lượng rất khó kiểm soát.