Cần thăm khám nếu da đổi màu vàng tái; phân, nước tiểu có màu bất thường; miệng đắng, hôi; nổi nhiều mụn nhọt; táo bón, mệt mỏi, chán ăn...
Gan là cơ quan nội tạng quan trọng đối với cơ thể, thực hiện hơn 500 vai trò khác nhau. Gan được ví như nhà máy lọc máu đầu tiên tiếp nhận chất dinh dưỡng cũng như các độc tố từ hệ thống tiêu hóa, trước khi chuyển hóa thành dinh dưỡng và năng lượng đi nuôi cơ thể.
Tuy vậy, gan rất dễ bị tổn thương trước các yếu tố độc hại. Việc tích tụ độc tố lâu dần sẽ cản trở quá trình trao đổi chất của tế bào gan, gây mất kiểm soát các gốc tự do dẫn đến việc gan khó đào thải được cặn bã ra ngoài, gây ra các bệnh về gan. Khi cơ thể có những dấu hiệu dưới đây, người bệnh không nên chủ quan, cần thăm khám để kịp thời phát hiện các bất thường.
- Da đổi màu vàng tái, nhợt nhạt: Khi gan không thải được độc tố ra ngoài cơ thể, độc tố sẽ bám lại và tích tụ dưới da, khiến da có màu sắc bất thường.
- Phân, nước tiểu có màu bất thường: Màu nước tiểu có thể trở nên tối, sậm hơn bình thường, còn trong phân có thể xuất hiện các đốm máu... Nếu mỗi ngày đảm bảo việc uống nhiều nước mà chất bài tiết vẫn có sự bất thường thì có thể gan đang gặp vấn đề.
- Hơi thở có mùi: Ở những người bị suy giảm chức năng gan, khả năng giải độc của gan kém khiến một số độc tố, chất cặn bã được bài tiết qua phổi. Vì vậy hơi thở sẽ có mùi hôi khó chịu.
Hơi thở có mùi kèm các dấu hiệu khác cảnh báo gan đang hoạt động bất thường. Ảnh: DA. |
- Đắng miệng: Miệng có vị đắng, thường gặp trong các chứng viêm cấp tính như viêm gan, viêm mật do sự rối loạn trong quá trình chuyển hóa dịch mật. Người có cảm giác đắng trong miệng thường kèm theo chứng đau đầu, chóng mặt, mắt đỏ, tính tình nóng nảy, dễ cáu giận, đại tiện táo bón, tiểu tiện đỏ vàng...
- Nóng trong người, mụn nhọt, mẩn ngứa: Theo Đông y, mụn nhọt do huyết nhiệt và nhiệt độc gây nên. Nguồn gốc của tình trạng trên có thể do gan nóng, khả năng giải độc của gan kém khiến các độc tố bị tích tụ trong cơ thể. Khi chất độc tích tụ lâu ngày sẽ phát tán qua da và gây nên các triệu chứng như nổi mề đay, dị ứng, mẩn ngứa...
- Táo bón, mệt mỏi, chán ăn: Gan là bộ phận thuộc hệ tiêu hóa, tham gia tích cực vào quá trình tiêu hóa thức ăn. Suy giảm chức năng gan làm giảm khả năng chuyển hóa và giảm tiết mật gây rối loạn tiêu hóa với các biểu hiện như chán ăn, mệt mỏi, ăn không tiêu, dễ bị táo bón. Do đó, khi mắc bệnh về gan, người bệnh cần có chế độ ăn uống hợp lý giúp giảm tải công việc cho gan, tăng cường chức năng gan.
Những dấu hiệu trên, tuy không nguy hiểm nhưng có thể là biểu hiện của việc gan nhiễm độc. Vì vậy cần thăm khám kịp thời, tránh việc độc tố tích tụ lâu ngày trong gan; gây ra các bệnh như viêm gan, xơ gan, ung thư gan...
Để bảo vệ gan, cần chú ý ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi điều độ, thăm khám định kỳ. Ưu tiên các các loại trái cây như bưởi, chanh, táo... Ăn nhiều rau xanh như súp lơ xanh, cải xoăn, cải bắp, củ cải, cà rốt... để loại bỏ độc tố trong cơ thể. Mỗi ngày uống đủ khoảng 2 lít nước sẽ hỗ trợ thải độc cho cơ thể nhanh hơn. Có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để bổ sung các thực phẩm bảo vệ sức khỏe với thành phần atiso, kim ngân hoa, sanh địa, cam thảo, nhân trần... - các dược liệu hỗ trợ mát gan.
Hoài Nhơn