Ông Đỗ Thế Sử qua đời vào lúc 18h42 phút ngày 10/5/2019, hưởng thọ 97 tuổi. Sự ra đi của ông là mất mát lớn của gia đình và cộng đồng doanh nghiệp trong nước.
Niềm đam mê kinh doanh đã ăn sâu vào máu
Ông Đỗ Thế Sử sinh năm 1923 ở xã Chu Minh, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội. Xuất thân từ gia đình địa chủ kháng chiến, ông theo cách mạng từ năm 24 tuổi. Ông từng tham gia học lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng đầu tiên, sau trở thành tổng biên tập báo Sơn Tây vào những năm 1955-1958.
Đến năm 1965, vợ ông mắc bệnh nặng qua đời, để lại 9 người con mà đứa lớn nhất mới học lớp 10. Hoàn cảnh ngặt nghèo đã khiến ông quyết định viết đơn xin nghỉ, tập trung cho gia đình.
"Nghỉ việc, lại vừa làm cha, vừa làm mẹ thì làm gì để sống? Ngày tháng dài, tôi quên mình đi để nuôi con," ông Sử nói. Vậy là ông mở thêm một HTX nhỏ chuyên ngành xén giấy, đóng sổ sách, để con vừa học vừa có chỗ phụ mình.
Ông Sử cứ thế ở vậy suốt gần 14 năm, chỉ tục huyền khi người con út 17 tuổi được cử đi học ở Tiệp Khắc (cũ). Quyết định đi bước nữa của ông một phần cũng vì các con, gia đình cần có bàn tay người phụ nữ. Bà Nguyễn Kim Phương, người vợ thứ 2, cũng nhận được sự kính trọng từ những đứa con riêng của chồng.
Việc nhà tuy bận rộn nhưng chưa ngày nào ông Sử chưa ngày nào quên đi dòng máu kinh doanh thừa hưởng từ người mẹ đang chảy trong huyết quản. "Bà làm giàu bằng cái đầu và tính hay lam hay làm, giúp cho bao người có công ăn việc làm. Cái giàu đĩnh đạc, đàng hoàng và chắc chắn".
Bởi vậy, ngay cả ở cái tuổi thất thập cổ lai hi, ông cùng vợ thành lập Công ty Phát triển Xuất nhập khẩu May mặc Gamexco, sản xuất quần áo bán cho các nước ở Đông Âu. Ông còn không ngại tự học tiếng Anh và tiếng Trung để dễ dàng giao tiếp với đối tác. Đối với ông, tuổi già chưa bao giờ là thách thức.
Ở tuổi 90, ông vẫn còn minh mẫn và hoạt bát, tiếp tục điều hành công ty của gia đình. "Bố vẫn có thể nuôi được các con, chứ không cần các con phải nuôi bố", ông nói với những đứa con của mình.
Người cha nghiêm khắc một tay nuôi lớn 11 người con
Đối với ông Đỗ Thế Sử, 11 người con thành đạt chính là tài sản vô giá. Họ đều là những giáo sư, tiến sỹ, thầy thuốc và doanh nhân nổi tiếng. Con cả của ông là đại tá, kỹ sư Đỗ Thái Tùng. Con thứ 2 là giáo sư, thầy thuốc nhân dân Đỗ Tất Cường – cựu Phó giám đốc Bệnh viện 103, nay là Phó Tổng Giám đốc phụ trách đối ngoại của Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec.
Con thứ 3 của ông Sử là ông Đỗ Minh Phú – Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Tiên Phong. Tập đoàn DOJI đã tạo một dấu ấn mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực Vàng bạc Đá quý nói riêng với tốc độ tăng trưởng doanh thu ấn tượng và giá trị thương hiệu ngày càng lớn mạnh. Chiếm lĩnh thị trường nội địa với hệ thống kinh doanh Vàng miếng, phân phối Kim cương và Trang sức cao cấp khắp ba miền Bắc - Trung - Nam, thương hiệu DOJI đang bước đi vững chãi trong lộ trình chinh phục khách hàng bằng uy tín và chất lượng sản phẩm. Luôn chú trọng đầu tư thiết bị, nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại, chiến lược Marketing bài bản, Tập đoàn DOJI thể hiện nhiều lợi thế cạnh tranh so với các sản phẩm cùng phân khúc và khẳng định vị thế tiên phong trong lĩnh vực bản lề là Vàng bạc Đá quý và Trang sức.
Bắt đầu tham gia vào lĩnh vực Bất động sản, Công ty thành viên DOJILAND đã ghi dấu ấn với những dự án tại Quảng Ninh, Vĩnh Phúc nên đã tạo lập được uy tín trên thị trường, tiếp tục khẳng định sự thành công ở lĩnh vực hoạt động then chốt của DOJI trong chặng đường phát triển tiếp theo.
Những người con khác của ông cũng tài giỏi không kém. Con thứ 4 của ông là Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội. Người con thứ 5 là Đỗ Anh Tuấn – Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng Lò hơi và các thiết bị nhiệt. Người con thứ 6 là Đỗ Anh Tú – phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Tiên Phong, Tổng Giám đốc Công ty Diana và người con trai thứ bảy là Đỗ Khôi Nguyên – Tiến sĩ Luật, luật sư thuộc ngành sở hữu trí tuệ ở Mỹ.
4 người con gái của ông cũng tham gia lãnh đạo trong nhiều công ty lớn. Bà Đỗ Xuân Mai điều hành công ty Green Global. Bà Đỗ Kim Dung là Giám đốc Công ty sản xuất ống nhựa cho các công ty sữa. Tới nay, ông Sử có 36 cháu nội ngoại và 25 chắt. Các cháu của ông đều được học hành bài bản ở cả trong nước lẫn nước ngoài và làm việc cho nhiều công ty lớn.
Cụ Đỗ Thế Sử phát biểu tại buổi lễ nhận Kỉ niệm chương “Vì sự phát triển doanh nghiệp”. (Ảnh: Pháp luật plus)
Sinh thời, ông Sử quan niệm việc học hành là quan trọng nhất. "Tôi yêu cầu các con phải học giỏi, và quy định, nếu đứa nào không được học sinh giỏi thì không đi họp phụ huynh vì ‘bố thấy xấu hổ’. Do vậy, khi nghe con cả muốn nghỉ học để đi làm giúp bố nuôi các em, ông ngay lập tức gạt đi, khuyên nhủ con học hành vì tương lai mai sau: "Con thương bố thì con phải học thật giỏi, làm gương cho các em."
Cả 11 đứa con đều được ông theo dõi sát sao bài vở. Mỗi ngày, ông đều dành thời gian cho việc này, giảng giải kỹ càng nếu bài học của con có chỗ nào không hiểu. Ông cũng nổi tiếng là người cha, người thầy nghiêm khắc. Khi thấy người con thứ 9 làm bài thi còn nhiều thiếu sót, ông vẫn phạt con bằng cách cấm xem phim cho tới ngày lên đường.
Ông Sử cho biết: "Bất kỳ ai cũng yêu thương con mình với mức độ cao nhất nhưng sử dụng sự yêu thương ấy như thế nào, hướng dẫn con mình ra làm sao là cách của mỗi người.
Giờ đây, tuy đã ra đi, ông Đỗ Thế Sử vẫn mãi luôn là tấm gương sáng cho thế hệ con cháu noi theo sau này.
Theo Trí thức trẻ/Tổng hợp